Vài ý kiến đóng góp với bản dịch “Việt Nam khai quốc” (kỳ 1)

Vài ý kiến đóng góp với bản dịch “Việt Nam khai quốc” (kỳ 1)

Vài ý kiến đóng góp với bản dịch “Việt Nam khai quốc” (kỳ 1)

Việt nam khai quốc

Tác giả: Bùi Xuân Bách

Lời thưa trước

Có lẽ cũng như một số bạn đọc khác, tôi cùng có ý thích đọc những tài liệu về cổ sử Việt Nam. Thấy trang mạng talawas blogDiễn đàn có giới thiệu bản dịch tiếng Việt cuốn The Birth of Vietnam trên trang web Da màu tôi vào xem ngay. Tôi cũng có cái may mắn được một người bạn tặng cho cuốn này khi sách mới ra. Phải nói ngay rằng đó là một cuốn sách quý. Đây là luận án tiến sĩ của Keith Weller Taylor, đã được bảo vệ tại Đại học Michigan năm 1976. Hiện nay ông lại đang là giáo sư của Đại học Cornell, một trong 8 trường thuộc Ivy League, là những trường hàng đầu của nước Mỹ. Cuốn sách là bản tăng bổ của luận án, được Nhà xuất bản Đại học California in năm 1983. Bản thân tôi vốn là “sư” (nghĩa là làm nghề gõ đầu trẻ) chứ không phải sử gia chuyên nghiệp, lại ưa thích trường phái “Sử Việt đọc một quyển”, cho nhanh, nên cũng chỉ đọc xong cho biết rồi “hạ thổ”, tức là cất xuống tầng hầm, chứ nhà chật con đông thì chỗ đâu mà để. Nay lại có được bản dịch tiếng Việt thì “mừng hết nhớn”. Đến đây phải xin tri ân bác Nguyễn Lê Vỹ đã mua bản quyền tiếng Việt của cuốn sách, dịch giả Lê Hồng Chương đã bỏ nhiều công sức dịch sang tiếng Việt và hai bạn Đinh Từ Bích Thúy và Chiêu Ly đã dành nhiều thời gian để nhuận sắc. Ngần ấy người đã góp công sức, thời gian và cả tiền bạc để chúng ta có được một bản dịch hoàn toàn miễn phí, mà cuốn sách này 397 trang, vậy thì khỏi nói ta cũng có thể hình dung ra cái nhiệt tâm, nhiệt tình ấy lớn như thế nào.

Tuy nhiên, như ta đều biết, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, bất kỳ một bản dịch nào, dù tốt đến đâu, cũng còn có những chỗ chưa chính xác hoặc chưa được thỏa đáng, chỉ có là ít hay nhiều mà thôi. Sau khi đã hạ tải về máy của mình, pha ấm trà ngon, ngồi đọc từ tốn (mắt mũi cũng kèm nhèm rồi) thì tôi thấy có vài ý kiến có thể đóng góp. Thực ra thì chỉ là những chỗ tôi sửa trong bản lưu cho mình thôi, sau thấy rằng có khi những chỗ sửa ấy may ra có thể giúp ích cho một số ít bạn nào đó đồng bệnh như tôi, thì tôi xin đưa ra đây. Mục đích chỉ là để chúng ta cùng có một bản dịch ngày càng tốt hơn, hoàn hảo hơn, chứ không phải là để “gây” một cái “sự” gì cả. Có lẽ cũng xin nhắc lại rằng, ta nên phân biệt trường hợp những cuốn sách dịch in bán lấy tiền mà sai sót rất nhiều, như Mật mã Da Vinci chẳng hạn, với những bản dịch miễn phí, bất vụ lợi. Khi ta nhìn vào đó thì nên có một cái nhìn trân trọng những tấm lòng vàng này, và nếu có đóng góp được gì thì cũng nên đóng góp.

Theo thiển ý của riêng tôi thì cuốn sách này đã được tác giả dày công khảo cứu nhiều sách tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Nhật (xin xem phần “Thư mục” từ trang 373 đến trang 384); nhiều cứ liệu được rút ra từ “Nhị thập tứ sử” như Hán thư, Hậu Hán thư, Tấn thư, Tùy thư, Cựu Đường thư v.v…, tức là “nói có sách” chứ không phải theo kiểu “tôi cho là…”. Bản dịch tiếng Việt thì trung thực, lưu loát, lại được thêm hai bạn văn nhuận sắc nên càng nhuyễn. Tất nhiên nhuận sắc thì khác với biên tập, biên tập lại khác với hiệu đính, nhưng đây cũng đã là thứ “gạo tám, gạo dự”, là thứ “cơm trắng ăn với chả chim” (chả biết là chim gì vì ca dao không có nói), nên nếu thấy có hạt sạn nào thì ta nhặt ra cho bát cơm thêm ngon, chứ sạn cũng không nhiều. Vả lại chuyện này cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, chuyện nhỏ, nhỏ như con thỏ í mà.

Những ý kiến của tôi sẽ trình bày dưới đây cũng chỉ là thứ “nhàn đàm” mà thôi. Trên đây là phần chính, bây giờ bạn nào vẫn còn nhã hứng xin cùng tôi đi vào phần phụ.

Nội Hà ngày 20-9-2010

*

PHÀM LỆ

Tôi xin nhặt sạn ra lần lượt theo thứ tự từng chương từng phần trong bản dịch, để bạn nào

muốn sửa trong bản lưu của mình thì dễ theo dõi. Dẫu sao thì sức có chừng, lực có hạn, tôi xin giới hạn chủ yếu trong phạm vi những địa danh và nhân danh mà thôi. Thực ra thì ở cuối sách (từ trang 360 đến 372) tác giả có cho một Bảng từ (Glossary) liệt kê những danh từ riêng này (gồm chữ Hán với phiên âm Wade-Giles hoặc nếu là tiếng Việt thì chú thêm chữ Hán), thành ra việc tôi làm thực chất cũng chỉ là đối chiếu lại xem âm Hán Việt trong bản dịch đúng sai ra sao thôi, chứ không có gì là tày đình cả. Cũng xin nói trước là thấy đâu thì nhặt đấy chứ không có nghĩa là nhặt được hết, mong các bạn khác tiếp tục bổ sung thêm.

Tôi trình bày thành một bảng ở đầu mỗi phần cho dễ xem, gồm có sáu cột: số thứ tự; lời văn trong bản dịch; nguyên văn trong sách (bản tiếng Anh – dùng phiên âm Wade-Giles); chữ Hán (phồn thể tự); bính âm Hán ngữ (pinyin); âm Hán-Việt. Tên người với tên đất vốn là danh từ riêng nên bắt buộc phải chính xác (thì mới tra cứu được khi cần), không thể nào lại ngam ngám hay gần đúng được, chẳng hạn: Hồ Quý Ly mà đánh ra Hồ Quy Lý thì đúng là “có Giời mới biết là xanh hay vàng”. Cách đọc Hán Việt lại cũng là chuyện lôi thôi nữa, xưa nay các cụ vẫn hay mắng “chữ tác đánh ra chữ tộ, chữ ngộ đánh ra chữ quá”, mong rằng nếu có sai sót (chắc chắn là có) xin các bậc túc nho chỉ điểm thêm cho. Trường hợp nào cần giải thích rõ ràng hơn thì tôi sẽ trình bày dưới cái bảng đó, lần lượt theo số thứ tự đã đánh ở trên.

Có khi, cùng một lỗi bị lặp đi lặp lại ở những phần khác nhau, tôi cũng nhắc lại để các bạn lưu ý sửa trong phần đó.

Viết hoa tên Hán: Địa danh thì tôi viết hoa cả như thông lệ, nhưng nhân danh, nếu là họ hoặc tên kép thì chỉ viết hoa âm tiết đầu, như gợi ý của GS Tạ Trọng Hiệp, chẳng hạn: Nam cung, Thái sử, Ân lai, Trạch đông. Lúc đầu trông có lạ mắt, nhưng hợp lý, vì chính người Trung Quốc khi dùng La mã tự để ghi tên họ, người ta cũng viết như vậy. Thí dụ: Zhao Ziyang (Triệu Tử dương), Hu Jintao (Hồ Cẩm đào) hoặc Ouyang Xiu (Âu dương Tu). Điều này không ai bắt buộc mà chỉ là thói quen cá nhân. Bạn nào cũng cho là phải thì cứ tự nhiên áp dụng, còn bạn nào muốn cho chắc ăn, thì xin cứ việc viết hoa tuốt.

Nếu cả ba âm tiết đều viết hoa thì đó là tên Việt.

*

Việt Nam khai quốc – Chương 1 phần 1 (sách trang 1-17)

bản dịch nguyên văn  (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 nhà Tấn Ch’in Qín nhà Tần
2 nhà Chu Ch’u Chǔ nhà Sở
3 Ung Châu Wen-chou 溫州 Wēnzhōu Ôn châu
4 Bồ Kiên Fu-chien 福建 Fújiàn Phúc Kiến
5 sông Tích(xem bản đồ) Hsi river system,Hsi chiang 西江 Xījiāng hệ thống sông Tây (giang),Tây giang
6 Thế là sau 333 năm trước Công nguyên, … Sửa: Thế là sau năm 333 trước Công nguyên, … (có lẽ là lỗi đánh máy)

Chú giải:

1- Nhà Tần (秦朝; pinyin: Qín Cháo; Wade-Giles: Ch’in Ch’ao; từ 221 đến 206 trước

Công nguyên).

Nhà Tấn (giản thể: 晋朝; phồn thể: 晉朝; pinyin: Jìn Cháo; Wade-Giles: Chin Ch’ao;

265–420).

2- Nhà Chu (/Châu) (周朝; pinyin: Zhōu Cháo; Wade-Giles: Chou Ch’ao; từ 1045 đến 256 trước Công nguyên).

Nước Sở (楚國; pinyin: Chǔ Guó; Wade-Giles: Ch’u Kuo; tồn tại từ 722 đến 221 trước Công nguyên).

3- Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, còn Ung Châu (邕州) là tên cũ (từ năm 632 đến 1324) của Nam Ninh hiện thời, thuộc tỉnh Quảng Tây (Khu tự trị Choang – Quảng Tây).

4- Tỉnh Phúc Kiến.

5- Tôi đã cố tìm xem có sông nào ở Trung Quốc gọi là sông Tích hay không, nhưng trong các sông lớn của họ (Giang – jiang hay Hà – he) thì không có sông nào là sông Tích cả. Vậy thì nếu có, họa chăng có vài ngọn tiểu khê nào đó có thể có tên là Tích, chứ sông thì không. Lại xét đến khu vực địa lý mà cuốn sách này đề cập tới (chủ yếu là Bắc Việt Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, đôi khi mở rộng thêm, có nói tới Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Hồ Nam) thì có Tây giang (西江) mà trong tiếng Hán đọc là Xi (pinyin), Hsi (Wade-Giles). Xem trên bản đồ ta thấy Tầm giang, Quế giang, Hạ giang đổ vào Tây giang; tới lượt mình, cùng với Bắc giang và Đông giang, Tây giang lại đổ vào Châu giang trong khu vực Quảng Châu trước khi đổ ra biển Nam Hải.

[ Tầm Giang (潯江/浔江 – Xun), Quế Giang (桂江 – Gui), Hạ Giang (賀江/贺江 – He) ]

[ Bắc Giang (北江 – Bei), Đông Giang (東江/东江 – Dong), Châu Giang (珠江 – Zhu) ]

Nguồn: Wikipedia

Việt Nam khai quốc – Chương 1 phần 2 (sách trang 17-23)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Địch Hồ Long I Hsü-sung 譯吁宋 Yì Xūsòng Dịch Hu tống
2 Giám quân Lư Lu 祿 Lộc
3 kinh Hằng An Hsing-an canal 興安運河/兴安运河 Xīng’ān Hưng An vận hà (Linh cừ – 靈渠)

Chú giải:

3- Hưng An vận hà còn có tên là Tương Quế vận hà, nằm tại huyện Hưng An, phía Đông Bắc tỉnh Quảng Tây, gần Quế Lâm. Đây là công trình thủy lợi tối cổ và cũng là đường giao thông thủy quan yếu. Được đào từ thời Tần Thủy hoàng năm thứ hai mươi cho tới năm thứ hai mươi ba (năm 219 trước Công nguyên – 215 trước CN) thì hoàn thành. Đến đời Đường mới cải tên là Linh cừ. Kênh này nối thông Tương giang thuộc thủy hệ Trường giang với Li giang thuộc thủy hệ Châu giang.

Việt Nam khai quốc – Chương 1 phần 3 (sách trang 23-44)

bản dịch nguyên văn  (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 gia đình của người họ Chương (Cheng) trong kinh Lễ, và họ này làm vua ở Hồ Nam từ năm 774 đến 500 TCN. The Cheng family in the Li chi and the Cheng ruled in Ho-nan from 774 to 500 B.C. 鄭/正/徵 Zhèng/ Zhèng/ Zhēng Trịnh/ Chính/ Trưng
2 Triệu Hổ king Hu 趙胡 Zhào Hú Triệu Hồ (Triệu Văn Vương)
3 Hán Triệu đế Han Chao-ti 漢昭帝 Hàn Zhāodì Hán Chiêu đế
4 triều Hán Ngô Phương (57-54 trước CN) Wu-feng reign (57 BC-54 BC) 五鳳 Wŭfèng niên hiệu: Ngũ Phượng (thời Hán Tuyên đế)
5 Bồ Kiên Fu-chien 福建 Fújiàn Phúc Kiến
6 Hoàng đế Bình Han P’ing-ti 漢平帝 Hàn Píngdì Hán Bình đế
7 Trọng Thủy Shih Chiang 始降 Shǐ Jiàng Thủy Giáng

Chú giải:

1- Nếu là họ Chương thì (Wade-Giles) viết là Chang ( 章,pinyin: Zhāng) chứ không phải là Cheng. Trong bản tiếng Anh viết là Cheng thì bính âm là Zheng, có khả năng là một trong ba họ sau: Trịnh 鄭, Chính 正, Trưng 徵. Bạn nào có điều kiện xin tra cứu giúp.

* Tỉnh Ho-nan như trong sách viết là tỉnh Hà Nam (河南- bính âm: Henan), chứ không phải Hồ Nam (Hunan – 湖南).

2- Triệu Văn Vương (文王, bính âm: Zhào Wén Wáng,), húy Triệu Mạt, có khi phiên là Triệu Muội (趙眜, bính âm: Zhào Mò), còn gọi là Triệu Hồ (趙胡, bính âm: Zhào Hú)

3- Hán Chiêu đế (劉弗陵 – Lưu Phất lăng) làm vua từ năm 87 trước CN đến 74 trước Công nguyên.

4- Sự nhầm lẫn giữa Triều đại với niên hiệu là điều cần tránh.

6- Dịch là Hoàng đế Bình thì không sai nhưng chưa đủ. Nếu gọi theo cổ nhân là Hán Bình đế thì khu biệt rõ hơn là vua ấy thuộc về triều đại nào và không gây lẫn lộn khi có trường hợp trùng miếu hiệu, như Tống Thái tổ, hay Minh Thái tổ. Nếu cứ gọi là vua Thái tổ hay Hoàng đế Thái thì không biết ai vào với ai.

Hán Bình đế (劉衎 – Lưu Khản) làm vua từ năm 1 đến 6 Công Nguyên.

7- Dịch Trọng Thủy là đúng, thông tin này chỉ để tham khảo thêm.

Việt Nam khai quốcChương 2 phần 1 (sách trang 45-53)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 chiếu chỉ old regulations (chiu chih) 舊制 jiù zhì cựu chế
2 chắc chắn Mã Viện đã rất cảm động ?
3 lò gạch kiln lò gốm

Chú giải:

2- Nguyên văn tiếng Anh: “Ma Yuan was undoubtedly moved to show such mercy because…”. Phục Ba tướng quân Mã Viện, người đã đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, không thể nào lại “cảm động” ở đây được. Động từ move ở đây mang nghĩa khác.

3- Lò gạch trong tiếng Việt thì chỉ có nung gạch thôi. Trong các ngôi mộ gạch ở đây người ta còn tìm thấy các đồ gốm khác như những bình bằng đất nung (earthenware vessels), những mô hình nông trại bằng gốm. Đây cũng là những vật người ta thường chôn theo người chết vào thời Hán. Các lò gốm nổi tiếng bên Trung Quốc, sản xuất Quân diêu, Nhữ diêu, Quan diêu, Long tuyền diêu v.v… trong sách tiếng Anh người ta đều dùng chữ kiln cả. Vậy theo tôi, dịch là lò gốm chính xác hơn và nội hàm rộng hơn nên vẫn bao gồm cả lò gạch.

Việt Nam khai quốc – Chương 2 phần 2 (sách trang 54-70)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Cổ Tông (gǔ) Chia Tsung 賈琮 Jiǎ Cóng Giả Tông
2 Trương Hối Chang Hui 張恢 Zhāng Huī Trương Khôi
3 Lý Nhiệm Li Shan 李善 Lǐ Shàn Lý Thiện
4 vua Hồ Han Ho-ti 漢和帝 Hàn Hédì Hán Hòa đế
5 Hoàng Chỉ (một xứ ở phía Nam Nhật Nam) Huang Chih 黄支 Huáng Zhī Hoàng Chi
6 Tường Lâm Hsiang-lin 象林 Xiànglín Tượng Lâm
7 Khu Liên (người) Ou Lien 區連 Ōu Lián Âu Liên
8 Cơ Xương Chia Ch’ang 賈昌 Jiǎ Chāng Giả Xương
9 Phan Liên Fan Yen 樊演 Fán Yǎn Phàn Diễn
10 Chu Cương Chou Ch’ang 周敞 Zhōu Chǎng Chu Sưởng
11 Hà Phương Hsia Fang 夏方 Xià Fāng Hạ Phương
12 Cự Phong Chü-feng 居風 Jūfēng Cư Phong
13 Sĩ Tư Shih Ssu (Tz’u) 士賜 Shì Cì Sĩ Tứ
14 vua Hoàn Han Huan-ti 漢桓帝 Hàn Huándì Hán Hoàn đế
15 vua Minh Han Ming-ti 漢明帝 Hàn Míngdì Hán Minh đế

Chú giải

1- và 8- Chữ 賈 có hai cách đọc: gǔ – cổ (Hán Việt) và jiǎ – giả (HV), nhưng khi dùng làm họ thì phải đọc là Giả. Thí dụ: 賈誼/贾谊 (Jiǎ Yì) phải đọc là Giả Nghị, nhà thơ đời Hán.

4- Hán Hòa đế (劉肇 – Lưu Triệu) làm vua từ năm 89 đến 105.

5- Hoàng Chi quốc hiện thời tức là xứ Kanchipuram – Cam cát bố lặc mẫu (甘吉布勒姆). Kanchipuram (hoặc Kanchi, Kancheepuram) hiện là quận Kanchipuram thuộc tiểu bang Tamil Nadu của Ấn Độ.

7- Chữ 區 có năm cách đọc: qū – khu, ōu – âu, gōu – câu, kòu – khâu, qiū – khưu, tùy theo trường hợp sử dụng hay văn cảnh. Trường hợp là họ thì phải đọc là Âu (ōu), thí dụ: Âu Quát tử (區适子/区适子) – đời Tống, được cho là tác giả của Tam tự kinh.

13- Chữ 賜 (赐) đọc là Cì (Wade-Giles: Tz’u). Trong sách tác giả chú sai là Shih Ssu (Wade-Giles), bính âm sẽ là Shi Si.

14- Hán Hoàn đế (劉志 – Lưu Chí) làm vua từ năm 146 đến 168.

15- Hán Minh đế (劉莊 – Lưu Trang) làm vua từ năm 58 đến 75.

Việt Nam khai quốc – Chương 2 phần 3 (sách trang 70-80)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Sĩ Vi Shih Yü 士鮪 Shì Wěi Sĩ Vị
2 Trương Tần Chang Chin 張津 Zhāng Jīn Trương Tân
3 Lai Cung Lai Kung 賴恭 Lài Gōng Lại Cung
4 Bộ Chính Pu Chih 步隲 Bù Zhì Bộ Chất
5 Sĩ Tấn Shih Hsin 士廞 Shì Xīn Sĩ Hân
6 Sĩ Nghi Shih I 士壹 Shì Yī Sĩ Nhất
7 Tiết Tống Hsüeh Tsung 薛綜 Xuē Zòng Tiết Tổng
8 Lưu Chiểu Liu Hsi 劉熙 Liú Xī Lưu Hy

Chú giải

1- Chữ 鮪 (鲔) đọc là Wěi. Trong sách tác giả chú sai là Shih Yü (Wade-Giles), bính âm sẽ là Shi Yu.
Việt Nam khai quốc – Chương 2 phần 4 (sách trang 80-84)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Khương Tăng Hối K’ang Seng Hui 康僧會 Kāng Sēng Huì Khương Tăng Hội
2 Cường Lương Lâu Kalyāṇaruci 疆梁婁 Jiàng-liáng-lóu Cương lương lâu
3 Mậu Tứ Mou Tzu 牟子 Móu Zǐ Mâu Tử
4 Mậu Bác Mou Po 牟博 Móu Bó Mâu Bác
5 Từ Đinh Hsiu Ting 修定 Xiū Dìng Tu Định
6 Gandhāran Chien-t’o-lo 犍陀羅 Jiān-tuó-luó Kiền đà la

Chú giải

1- Khương Tăng Hội được xem là thiền sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh có viết cuốn “Thiền sư Tăng Hội” – NXB An Tiêm 1998.

3-, 4- Mâu Tử, hay là Mâu Bác, tác giả “Lý Hoặc Luận” (理惑論). Đây là tác phẩm Phật giáo đầu tiên bằng Hán tự được viết tại Giao Chỉ năm 189 CN.

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 1 (sách trang 85-91)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Đại Lương Tai Liang 戴良 Dài Liáng Đái Lương
2 Hoàn Lan Huan Lin 桓鄰 Huán Lín Hoàn Lân
3 Hoàn Trí Huan Chih 桓治 Huán Zhì Hoàn Trị
4 Sĩ Nghi Shih I 士壹 Shì Yī Sĩ Nhất
5 (Sĩ) Quang (Shih) K’uang 士匡 (Shì) Kuāng (Sĩ) Khuông
6 Cẩm Lệ Kan Li 甘醴 Gān Lǐ Cam Lễ
7 Dương Minh T’ang-ming 堂明 Tángmíng Đường Minh
8 Chu Trì Chu Chih 朱治 Zhū Zhì Chu Trị
9 Khu Liên (người) Ou Lien 區連 Ōu Lián Âu Liên
10 Cự Phong Chü-feng 居風 Jūfēng Cư Phong

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 2 (sách trang 91-98)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Ung An Yung-an period 永安 Yǒngān Vĩnh An
2 Hoắc Đặc Huo I 霍弋 Huò Yì Hoắc Dặc
3 Phân Thủy Fen-shui / Fen-ho 汾水/ 汾河 Fénshuǐ / Fénhé Phần Thủy /  Phần hà
4 Lý Tố Li Tso 李祚 Lǐ Zuò Lý Tộ (Việt)
5 Đồng Nguyên Tung Yüan 董元 Dǒng Yuán Đổng Nguyên

Chú giải

1- Niên hiệu Vĩnh An (258-263) của Ngô Cảnh đế (Tôn Hưu – 孫休), thời Tam Quốc.

3- Luôn luôn được đọc là sông Phần hay Phần Thủy, Phần Hà.

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 3 (sách trang 98-106)

bản dịch nguyên văn  (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Triệu Chi Chao Chih 趙祉 Zhào Zhǐ Triệu Chỉ (Việt)
2 Lý Tốn Li Tso 李祚 Lǐ Zuò Lý Tộ (Việt)
3 Cổ Bí Ku Pi 顧秘 Gù Bì Cố Bí
4 Cổ Sâm Ku T’san 顧參 Gù Cān Cố Tham
5 Cổ Thọ Ku Shou 顧壽 Gù Shòu Cố Thọ
6 Vương Chi Wang Chi 王幾 Wáng Jǐ Vương Cơ
7 Đỗ Tấn Tu Tsan 杜讚 Dù Zàn Đỗ Tán
8 Nguyên Phương Yüan Fang 沅放 Yuán Fàng Nguyên Phóng
9 một nhà vua mới ở Tứ Xuyên tên là Cheng Han with the Taoist Ch’eng Han dynasty 成漢 Chénghàn Thành Hán
10 Trương Liên Chang Lien 張璉 Zhāng Lián Trường Liên (Việt)

Chú giải

9- Triều Thành Hán ở Tứ Xuyên thời Ngũ Hồ thập lục quốc (303 hoặc 304-347). Đây cũng là triều đại thành lập sớm nhất trong thời kỳ Thập lục quốc.

10- Trong Bảng từ (Glossary) tác giả có cho tên Trường Liên (phần nhân danh tiếng Việt).

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 4 (sách trang 106-115)

bản dịch nguyên văn (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Phạm Miễn Fan I 范逸 Fàn Yì Phạm Dật
2 vua Min Chin Min ti 晉愍帝 Jìn Mǐndì Tấn Mẫn đế
3 Khương Trang Chiang Chuang 姜壯 Jiāng Zhuàng Khương Tráng
4 Thao Tập T’ao Chi 韜戢 Tāo Jí Thao Trấp
5 Hạ hầu Lam Hsia-hou Lan 夏侯覽 Xiàhóu Lǎn Hạ hầu Lãm
6 Đặng Tuấn T’eng Chün 滕畯 Téng Jùn Đằng Tuấn
7 Nguyên Phu Yüan Fu 阮敷 Yuán Fū Nguyễn Phu
8 Đằng Hàn T’eng Han 藤含 Téng Hán Đằng Hàm
9 Nguyễn Lang Yüan Lang 阮朗 Yuán Lǎng Nguyễn Lãng
10 Lưu Du Liu Yü 劉裕 Liú Yù Lưu Dụ
11 Chu Phù Chu Fu 朱輔 Zhū Fǔ Chu Phụ
12 Đặng Độn chi T’eng Tun-chih 騰遯之 Téng Dùnzhī Đằng Độn chi
13 Đỗ Viện,       Đỗ Viên Tu Yüan 杜瑗 Dù Yuàn Đỗ Viện
14 Lý Nhiếp Li I 李弈 Lǐ Yì Lý Dịch (Việt)
15 Vương Huy chi sách không có
16 Lý Du Ly family (không có)

Chú giải

2- Tấn Mẫn đế – Tư mã Nghiệp (司馬鄴) – niên hiệu Kiến Hưng (建興) 313-317

10- Lưu Dụ là vua sáng lập nhà Lưu Tống (420–479) thời Nam Bắc triều (420–589).

16- Nguyên văn trong sách là Ly family. Không rõ tại sao lại dịch là Lý Du.

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 5 (sách trang 115-126)

bản dịch nguyên văn  (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Nhà Tấn với Lâm Ấp Sung and Lin-i 劉宋(朝) Liú Sòng (Cháo) Nhà (Lưu) Tống với Lâm Ấp
2 Đỗ Hoàng Văn Tu Hung-wen 杜弘文 Dù Hóngwén Đỗ Hoằng Văn (Việt)
3 Tông Sắc Tống Sắc Tsung Ch’üeh 宗愨 Zōng Què Tông Xác
4 Tiêu Ngô (454-464) Emperor Hsiao Wu 孝武帝 Xiào Wǔdì Hiếu Võ đế
5 xứ Toba Toba empire 拓拔 Tuòbá Thác Bạt
6 Hàn Hoành Huan Hung 桓閎 Huán Hóng Hoàn Hoằng
7 Lý Trượng Nhân Li Chang-jen 李長仁 Lǐ Zhāngrén Lý Trương Nhân (Việt)
8 Lý Thục Hiên Li Shu-hsien 李叔獻 Lǐ Shūxiàn Lý Thúc Hiến
9 Trần Hoàn Shen Huan 沈煥 Shěn Huàn Thẩm Hoán
10 Trần Lượng đức Shen Liang-teh 沈諒德 Shěn Liàngdé Thẩm Lượng đức
11 Hoàn Hưng Huan Hung 桓閎 Huán Hóng Hoàn Hoằng
12 Phúc Đặng Chi Fu Teng-chih 伏登之 Fú Dēngzhī Phục Đăng Chi (Việt)
13 Lý Khai Li K’ai 李凱 Lǐ Kǎi Lý Khải (Việt)

Chú giải

1- Nhà Tấn (giản thể: 晋朝; phồn thể: 晉朝; pinyin: Jìn Cháo; Wade–Giles: Chin) từ năm 265 đến 420. Nhà Lưu Tống (giản thể: 刘宋朝; phồn thể: 劉宋朝; pinyin: Liú Sòng Cháo; Wade-Giles: Liu Sung Ch’ao) từ năm 420 đến 479.

4- Hiếu Võ đế Lưu Tuấn (Liú Jùn 劉駿) triều Lưu Tống (453-464).

5- Thác Bạt vừa là họ người, vừa là tên của một bộ tộc du mục người Tiên Ty. Họ đã từng thành lập nước Đại (310-376) và triều Bắc Ngụy (386-536) thời Ngũ Hồ thập lục quốc.

Việt Nam khai quốc – Chương 3 phần 6 (sách trang 126-131)

bản dịch nguyên văn  (Wade-Giles) Hán tự pinyin Hán-Việt
1 Tiết Tống Hsüeh Tsung 薛綜 Xuē Zòng Tiết Tổng
2 Tường Lâm Hsiang-lin 象林 Xiànglín Tượng Lâm
3 Lý Khai Li K’ai 李凱 Lǐ Kǎi Lý Khải
4 Lý Tiên Li Hsün 李遜 Lǐ Xùn Lý Tốn
5 Lý Thượng Nhân Li Chang-jen 李長仁 Lǐ Zhāngrén Lý Trương Nhân (Việt)
6 Lý Thục Hiên Li Shu-hsien 李叔獻 Lǐ Shūxiàn Lý Thúc Hiến (Việt)
7 Phúc Đặng Chi Fu Teng-chih 伏登之 Fú Dēngzhī Phục Đăng Chi (Việt)

(Xem tiếp kỳ 2)

© 2010 Bùi Xuân Bách

© 2013 DICHSO – Mọi thông tin bài viết, tập download, đều được DSC giữ đúng nguồn của tác giả.

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *